Breadcrumb

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Theo cuốn Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh), từ cuối thế kỷ XVI, lưu dân Việt Nam đã bắt đầu vào Nam bằng thuyền. Ngoài ra, họ còn đi lên ở vùng kinh đô nước Chân Lạp, họ đi sang kinh đô Ayuthia của nước Xiêm, lập làng xóm ở đó. Ở thành thị thì họ làm nghề thủ công, buôn bán, vận tải; ở thôn dã thì họ khai hoang lập ấp, cấy cày, đánh cá. Đi tới đâu, họ đều được chính quyền địa phương tín nhiệm về tay nghề, về tính cần cù và cả tinh thần chiến đấu bảo vệ đất nước mình đang ở và việc đối xử với chính quyền địa phương đó.

Khi lưu dân Việt Nam đến đất Sài Gòn, chưa phân biệt được họ thuộc các sắc tộc nào, nên được gọi chung họ là người “Man”. Người Việt thạo nghề trồng lúa nước từ ngàn xưa, vì vậy ngay từ ban đầu đã có sự phân công hòa hợp trong khai khẩn: người Việt làm các ruộng sâu có nhiều cỏ (gọi là thảo điền), người dân tộc làm các ruộng cao trên gò hay giồng (gọi là sơn điển). Chỉ trong mấy chục năm, người Việt đã tới khá đông, đủ sức khai khẩn các cánh đồng màu mỡ. Người Xtiêng, người Mạ và số rất ít người Miên rút dần về các vùng nhiều đồi núi, thích hợp với kỹ thuật làm rẫy, săn bắn và tổ chức buôn sóc hơn. Đầu thế kỷ XVIII, họ còn ở quanh vùng Gò Vấp, Hóc Môn, rồi thiên cư lần lên phía Bắc, ở những nơi mà người đồng tộc với họ đã cư trú từ lâu.

Những người Việt Nam hồi cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII cho đến gần hết thế kỷ XVII đã chinh phục thiên nhiên, làm chủ đất đai, “mở cõi” bằng chiếc búa phá rừng, bằng cái phảng chém cỏ, bằng lưỡi cày với đôi trâu. Vì vậy họ gắn bó bền chặt với ruộng vườn.

Có thể nói, lưu dân Việt Nam đã tới khẩn hoang lập ấp trên địa bàn Sài Gòn từ rất lâu trước năm 1674. Sài Gòn khi ấy có lẽ đã trở thành một thị trấn tương đối quan trọng, mà việc cai trị đều do lưu dân tự quản. Nam Bộ xưa, trước khi có lưu dân Việt Nam đến khẩn hoang lập ấp là đất rất hoang vắng. Dân Khơ Me còn tập trung và khai thác các vùng đất màu mỡ quanh Biển Hồ, chưa đủ số đông và công sức để khai hoang miền nam Thủy Chân Lạp, đặc biệt từ bờ Tiền Giang tới lưu vực sông Đồng Nai. Đây đó lác đác trên mấy giồng đất cao có ít sóc Miên hoặc buôn dân tộc, chính quyền chưa đặt thành cơ cấu hành chính hoàn chỉnh. Việc cai trị còn lỏng lẻo, rất sơ sài. Trong tình hình đó, người lưu dân Việt Nam đã sáng lập Sài Gòn từ một cánh rừng hoang bát ngát trở thành một trung tâm quân cư sầm uất.

Sài Gòn xưa được biết đến là rừng rậm hoang vu, rất ít dân cư. Từ khi lưu dân Việt Nam tới, Sài Gòn lần lượt trở thành một bến sông, một phố chợ, một sở thu thuế, một ngã tư giao dịch quốc tế, một đồn lũy chiến lược, rồi một trung tâm hành chính chung cho toàn miền Nam đất mới. Vị trí của Sài Gòn được khẳng định ngay trong thời dân lưu tán tự phát, vị trí đó mỗi ngày thêm quan trọng và liên tục tăng trưởng, chưa bao giờ bị thiên di hay xuống cấp.

Nguồn: Hội đồng Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 4 tập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018; Nguyễn Đình Tư, Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh Dặm dài lịch sử, 2 tập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022.

×

Xuất bản thông tin

Mùa xuân tháng 2 năm Mậu Dần (1698), Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh bấy giờ là Trấn thú dinh Bình Khang, tuân lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu lên đường kéo quân vào Nam.

Đây là lần đầu tiên ông vào Đồng Nai – Gia Đinh. Ông dã tìm hiểu địa lý thiên nhiên và cư dân sinh sống. Sau đó ông phân định ranh giới, thành lập các đơn vị hành chính, cắt cử người đặt vào các cương vị thích hợp, chỉ định các nơi cần đặt đồn tuần và cửa tấn.

Việc thành lập các đơn vị hành chính, Nguyễn Hữu Cảnh cũng tuân theo hệ thống tổ chức như ở miền đất cũ. Bước đầu, Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra phủ Gia định trên vùng đất mới, bao gồm 2 huyện là Phước Long và Tân Bình, lấp sông Đồng Nai và sông Sài Gòn làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện.

Ở huyện Phước Long nay là địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, một phần nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Thành phố Thủ Đức) xây dinh Trấn Biên (sau là tỉnh Biên Hòa). Ở huyện Tân Bình (nay là Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Binh, phần lớn tỉnh Long An, một phần tỉnh Tiền Giang (khu vực Gò Công) dựng dinh Phiên Trấn (sau là tỉnh Gia Định).

Mỗi huyện chia làm 4 tổng. Huyện Phước Long có 4 tổng là Phước Chánh, Bình An, Long Thành và Phước An. Huyện Tân Bình có 4 tổng là Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Thuận Cách (tới triều Gia Long đổi là Thuận An).

Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh đặt xong nền móng hành chính tại Phủ Gia Định, chúa Nguyễn ban lệnh cho các địa phương, từ Nam Bố Chính trở vào nam vận động, chiêu mộ những người nghèo khổ, xiêu tấn vào đây lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. Từ đó dân số phủ Gia Định ngày một tang cao, nhờ vào chính sách mềm dẻo của Chúa Nguyễn.

Tháng 4 năm Tân Hợi (1731), người Ai Lao và Sá Tốt đem quân Chân Lạp xuống cướp vùng Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Trú bèn sai Thống suất Trương Phước Vĩnh chỉ huy binh các đạo đi đánh. Lãnh chức Điều khiển Gia Định, chỉ huy tiến đánh Sá Tốt, phạm sai lầm, Trương Phước Vĩnh bị cách chức. Cai cơ Nguyễn Hữu Doãn được cử thay thế. Chúa Nguyễn cho rằng đất Gia Định địa thế rộng lớn, nhiều kênh rạch, đi lại khó khăn, chứa mới chia đất đặt ra châu Định Viễn (sau gọi là phủ Đinh Viễn, thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay). Đó là năm Nhâm Tý (1732) đời chúa Nguyễn Phúc Trú.

Năm Giáp Tý (1744), chúa Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng vương, sửa đổi triều chính, chia lãnh tổ xứ Đàng Trong hay còn gọi là Nam Hà thành 12 dinh, trong đó phần đất mới phía Nam có 3 dinh là Trấn Biên, Phiến Trấn và Long Hồ (phần đất châu Định Viễn cũ).

Sau khi thành lập phủ Gia Định và 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, các chúa Nguyễn chỉ lo giúp dân an cư lạc nghiệp, khai hoang trồng trọt để cải thiện đời sống trên vùng đất mới. Nhưng do tình hình khách quan đưa đến, vùng đất Gia Định ngày một được mở rộng thêm, kéo dài trong hơn nửa thế kỷ (1698-1757), khi thì do Tổng binh Mạc Cửu hiến dâng, khi thì do các vua Chân Lập hiến tặng để trả ơn cứu nguy.

Nguồn: Hội đồng Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 4 tập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018; Nguyễn Đình Tư, Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh Dặm dài lịch sử, 2 tập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022.

×

Xuất bản thông tin

Vào đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Pháp đã phát triển cao, cần phải có thị trường để cung Vào cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy và tiêu thụ hàng hóa sản xuất ở chính quốc. Nhưng tư bản Pháp lại đi sau tư bản Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, nên những vùng đất màu mỡ trên thế giới đã bị các nước này chiếm, chỉ còn các nước Đông Dương là chưa bị xâm chiếm. Tư bản Pháp thông qua chính phủ Pháp nhắm tới vùng này với sự giúp sức của các thừa sai Thiên Chúa giáo.

Ngày 1-9-1858 Đô đốc Rigault de Genouilly đem 14 tàu chiến, 3.000 quân tấn công Đà Nẵng, bắn phá và chiếm hai pháo đài An Hải, Điện Hải của ta. Quân Pháp áp dụng chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, sớm triệt hạ lực lượng kháng chiến của quân ta tại Đà Nẵng, thừa thắng xông lên, kéo thẳng ra Huế bắt ép vua Tự Đức đầu hàng, thiết lập nến bảo hộ của nước Pháp.

Ngày 9-2-1859, đoàn tàu chiến Pháp vào đến vùng biển Vũng Tàu. Ngày 10-2-1859 đoàn tàu bắt đầu theo dòng sông Lòng Tàu lên đánh thành Gia Định.

Ngày 11-2-1859, quân Pháp tiến đến bắn phá pháo đài Cần Giờ để mở cửa vào sông. Đạn đại bác trên tàu Phlégéton bắn hạ đồn. Từ đó đến ngày 15-2-1859, quân Pháp lần lượt hạ các pháo đài.

Chiều ngày 15-2-1859 tàu chiến Pháp đến cửa ngõ thành Gia Định. Thành Gia Định bấy giờ về mặt đường sông được bảo vệ bởi hai tiền đồn là hai pháo đài lớn ở hai bên bờ sông Sài Gòn: Pháo đài Tô Định và pháo đài Hữu Bình. Pháo đài Tả Định còn gọi là đồn Cá Trê ở phía Thủ Thiêm bấy giờ thuộc tỉnh Biên Hòa đã được tăng cường bởi quân của Tuấn phủ Nguyễn Đức Hoan và quân của Ấn sát Lê Từ và quyền Đế đốc Trấn Tri từ thành Gia Định tới. Pháo đài Hữu Bình còn gọi là đồn Giao Khấu hay đồn Rạch Bàng trên đất làng Khánh Hội tỉnh Gia Định, về sau người Pháp cải tạo thành pháo đài phía Nam (Fort du Sud) gắn cầu Tân Thuận ngày nay.

Sau khi đánh vỡ Đại đồn Chí Hòa, Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ra ba tỉnh miền Đông. Sài Gòn trở thành trung tâm cai trị và kinh tế (thực dân), thu hút nhiều lớp người mới vào thành thị. Lúc này, Pháp bắt đầu xây dựng một khu hành chính làm trung tâm cho thị xã, xung quanh có rào, bên trong đặt dính thống đốc - đô đốc, các sở hành chính, nhà dây thép, nhà thương, nhà thờ, tất cả đều làm bằng gỗ.

Đến năm 1863, Pháp mới tập hợp lại được 12 thôn trong số 40 thôn cũ, mà 12 thôn đó cũng chỉ có 830 đinh. Cả Sài Gòn, Chợ Lớn khi ấy (1863) có gần hai vạn dân cư kể cả Tàu, Tây, Mani và người "di cư" theo hải quân Pháp từ Đà Nẵng vào hối cuối năm 1859.

Pháp dời "làng Đà Nẵng" từ vàm Thị Nghè về phía Cầu Bông để có chỗ xây dựng một xưởng sửa chữa tàu, ta gọi là Ba Son. Xưởng đầu tiên của Sài Gòn là một xưởng cơ khí. Ở đó ngay từ đầu, trong những trại gỗ lá, có trại đúc, trại nguội, trại hàn, trại rèn, trại mộc, trại đánh dây, ụ nổi, v.v... dùng nhân công người Việt và người Hoa dưới sự kiểm soát nghiêm mật của một đại đội thủy binh Pháp. Xưởng này cũng đóng những tàu nhỏ đi sông.

Cảng Sài Gòn mở cho tàu các nước Á, Âu thì việc mở xưởng Bason (Arsenal). Sài Gòn lại là nơi xuất cảng ngày càng nhiều lúa gạo. Thuyền nhiều, hàng lắm, Pháp càng lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, mở xuất nhập cảng để thu thuế, thu lãi. Vì vậy, Pháp là cho Hoa kiểu đấu thầu làm bến dài 1.800 mét, tàu biển sâu 4,20 mét dưới mặt nước có thể đậu sát bờ được. Họ cũng cho thầu cất chợ, vét kinh, xây một số kho tàng, dựng doanh trại, công sở mới. Công nghiệp xây dựng phát triển nhanh cùng với công nghiệp xay lúa, đóng thuyền, làm gạch, ngói, mộc.

Dọc theo sông Bến Nghé, xưa là vùng đất thấp, nhiều ao hồ, lạch, rạch. Đế có đất cao ráo cất nhà, ban đầu Pháp theo những đường kinh cũ mà đào rộng hơn, sâu hơn, quãng đất lên bờ làm nên. Sau rồi chúng ban đất trên đồi cao xuống mé sông, lấp kênh, đắp đường. Những ai bỏ nhà về tỉnh thì Pháp tịch thu đất, đem bản đấu giá. Đường phố được xẻ rộng, thẳng, theo một số kế hoạch, hai bên đường trồng cây được ươm sẵn tại vườn bách thảo.

Kinh tế Sài Gòn phát triển theo sự phát triển của việc xuất cảng lúa gạo. Và bộ mặt thành phố Sài Gòn cũng bắt đầu thay đổi, dân đông dần lên, nhà gỗ lá thành nhà gạch ngói. Vào đầu những năm 80 thì cả Sài Gòn - Chợ Lớn có khoảng mười vạn dân và bắt đầu có dáng vẻ một thành phố Tây phương - thuộc địa.

Pháp xây dựng bộ máy thống trị thực dân tại Sài Gòn và biến Sài Gòn thành căn cứ chuẩn bị xâm lược Bắc, Trung.

Pháp mở cảng Sài Gòn từ 1860, năm đó nhiều nước thiếu gạo nên nhiều tàu ăn gạo đến Sài Gòn. Năm 1862, có 114 tàu Châu Âu và Trung Quốc vào Sài Gòn. Năm 1867, Sài Gòn xuất khẩu riêng về phần lúa gạo là 193.000 tấn.

Tương ứng với sự xuất cảng lúa gia tăng là sự phát triển của nghề đóng thuyền, vận tải đường sông, xay thóc, vô bao, khuân vác ở bến tàu, bến thuyền. Nhưng trước 1877 chỉ có xưởng thủ công xay lúa. Nhà máy xay lúa đầu tiên xuất hiện năm 1877. Hai năm trước (năm 1875) đã thấy xuất hiện nhà máy cưa. Trại mộc, lò gạch ngói trở nên nhiều theo nhịp xây dựng phố xá, xí nghiệp, công sở. Nhà máy đường, nhà máy bia thất bại, nhưng xưởng sửa tàu, đóng thuyền thì hoạt động mạnh thêm. Tất cả đều ở trong tay của Tây và Tàu.

Bước phát triển thứ hai của Sài Gòn về mặt kinh tế bắt đầu từ những năm 80 cho đến cuối thế kỷ XIX. Năm 1881, Pháp bắt tay vào việc làm đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, xây hai cầu lớn trên sông Vàm Cỏ; công thương Sài Gòn - Chợ Lớn được kích thích.

Việc xuất cảng lúa gạo ở Sài Gòn tiến những bước dài, từ 1886, mỗi năm hơn nửa triệu tấn. Xuất cảng lúa gạo chiếm trên dưới 75% tổng giá trị xuất cảng. Nam Kỳ bị đẩy vào thế độc canh, canh tác nhằm để xuất cảng. Rất nhiều thủ công xưởng và nhà máy mọc lên dọc theo những con sông từ Chợ Lớn ra Sài Gòn. Đến năm 1895, Nam Kỳ có 200 xưởng thủ công và nhà máy xay, phần nhiều ở Sài Gòn - Chợ Lớn nhưng phần nhiều là xay tay; nhà máy xay chạy bằng hơi nước thì còn ít.

Từ đầu thế kỷ XX đến chiến tranh thế giới thứ nhất, Sài Gòn tiến lên một bước nữa về mặt kinh tế, cùng nhịp với miền Trung, miền Bắc khi toàn quyền Doumer mở đầu giai đoạn "đại khai thác" lần thứ nhất.

Năm 1901, làm đường xe lửa Sài Gòn – Nha Trang. Năm 1902, Pháp làm cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn. Năm 1903, làm đường tàu điện Sài Gòn - Gò Vấp, Sài Gòn - Chợ Lớn, Gò Vấp - Hóc Môn.

Người Đức đến Sài Gòn xây 08 nhà máy xay lúa khá lớn cạnh tranh với người Hoa. Nhà máy xay, nhà máy cưa, nhà máy nước đá, nhà máy đèn, nhà máy bia, nhà máy xà bông, nhiều xưởng in quan trọng, nhà máy làm đường, xưởng sửa tàu đóng thuyền, xưởng thuộc da, lò gạch ngói, lò nhuộm, xưởng mộc, xưởng dệt, v.v... đua nhau mọc lên và phát triển, quy mô chưa phải to lớn lắm nhưng dùng máy móc đã khá nhiều. Xe lửa, xe điện, xe hơi, tàu sông, ghe chài, ghe rồi, việc vận tải rộn rịp. Người ta tính rằng số công nhân ở Sài Gòn năm 1906 lên độ 25.000 người, trong đó có cả ngàn thợ máy chuyên nghiệp. Riêng xưởng Ba Son tập hợp trên dưới 1.000 công nhân, nhà máy rượu Bình Tây 500.

Trên cả nước Việt Nam nói chung thì công nhân đã thành giai cấp khá đông đúc. Đó là biến chuyển xã hội mang tính lịch sử. Giai cấp tư sản Việt Nam thì chưa hình thành, nó còn là một tầng lớp mỏng, yếu. Ở Sài Gòn lúc đó, ngay cả những nghề mọn như tiệm ăn, tiệm may, tiệm buôn lẻ, làm guốc, làm nón, cắt tóc, tuyệt đại bộ phận hãy còn ở trong tay Hoa kiều. Tuy vậy, ý thức tranh thương của tư sản Việt Nam đã bắt đầu trỗi dậy.

Chính thức thành lập Thành phố Sài Gòn

Ngày 8-1-1877, Tổng thống Pháp là Thống kế De Mac Mahon ký ban hành sắc lệnh chính thức thành lập thành phố Sài Gòn, có Phó Đô đốc, Thượng nghị sĩ, Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa L.Fourichon Ký phó thự. Sắc lệnh này được Thống soái Nam Kỳ Duperré công bố trên toàn cõi thuộc địa Nam Kỳ bởi nghị định ngày 16-5-1877. Sắc lệnh này được coi như một bản hiến chương của Thành phố gồm có 9 chương, 78 điều quy định việc tổ chức quản lý thành phố. Từ đó Sài Gòn mới chính thức là thành phố.

Thi hành điều 77 Sắc lệnh nói trên, Thống soái Nam Kỳ cử Lamy, thầu khoán ngành Công chánh làm Đốc lý đầu tiên Thành phố Sài Gòn. Từ đó đến năm 1931, ngày thành lập Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn có 25 viên Đốc lý.

Thành lập thành phố Chợ Lớn

Về khu vực Chợ Lớn trước thuộc một số xã thôn của huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Khi người Pháp chiếm vùng này và sắp xếp nền hành chính, hầu hết các xã hôn cũ của huyện Tân Long đều được đặt thuộc hạt thanh tra Chợ Lớn. Riêng khu vực bán nơi khu vực ngôi chợ trung tâm gọi là Chợ Lớn và các thôn bao quanh thuộc tổng Tân Phong Thượng được tách làm trung tâm đô thị Chợ Lớn (Center urbain de Chợ Lớn), trong các văn kiện đều dung tên gọi "Ville de Chợ Lớn", thuộc quyền cai trị của viên Thanh tra hành chính bản xứ sự vụ hạt Chợ Lớn kiêm nhiệm. Ngày 6-6-1865, Phó Đô đốc De Lagrandière ban hành Quyết định ấn định ranh giới tạm thời của Ville de Chợ Lớn.

Đến năm 1931 thì Chợ Lớn nhập với địa bàn thành phố Sài Gòn thành khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Thành lập khu Sài Gòn – Chợ Lớn

Ngày 27-4-1931 Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh nhập hai thành phố để thành lập Khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Đứng đầu là một viên Tham biện khu trưởng.

Tuy gọi là hợp nhất, nhưng tổ chức hai thành phố vẫn còn và vẫn gọi dưới tên Municipalité. Các viên Đốc lý, Hội đồng thành phố và Ủy ban thành phố của hai thành phố vẫn còn. Chỉ về nhiệm vụ và quyền hạn có bị thu hẹp, vì đã chuyển giao những vấn đề quan trọng cho Khu trưởng. Qua cách tổ chức và điều hành theo Sắc lệnh này, ta có thể coi Khu Sài Gòn - Chợ Lớn lúc đó như một hình thức "liên bang".

Để có bộ máy thừa hành dưới quyền để thi hành sắc lệnh và nghị định nói trên, ngày 18-3-1932, Khu trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn ban hành Quyết định ấn định các nha sở và phân công chuyên trách như sau:

- Nha hành chính

- Nha Tài chính

- Nha Y tế

- Nha Kỹ thuật

Cùng với việc tổ chức bộ máy hành chính, chính quyền khi đó bắt tay vào chỉnh trang địa bàn bằng việc đào lấp kênh rạch, ao đầm; ban hành các quy định về giao thông vận tải và đặt đổi tên một số đường.

×

Xuất bản thông tin

Trong suốt 30 năm (1945-1975), cuộc sống của người dân thành phố đã có sự thay đổi rõ rệt. Bộ mặt thành phố đã thay đổi, từ một thành phố lạc hậu lên một thành phố hiện đại, văn minh. Cụ thể:

Về giao thông – vận tải

Dưới thời Pháp thuộc, hầu hết các đường trong Đô thành và tỉnh Gia Định đều mang tên người Pháp, địa danh và sự kiện lịch sử Pháp. Dưới thời chính quyền Bảo Đại cũng có đổi tên đường cũ hay đặt tên đường mới, nhưng rất hạn chế, phần nhiều là thay mới tên các vua quan nhà Nguyễn. Đến khi lên nắm quyền trong tay, việc làm đầu tiên của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong việc chỉnh trang thành phố và các khu vực ngoại thành là đổi tên các đường cũ của Pháp.

Với viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ đổ vào từng năm, đời sống giới công chức, giới quân nhân, giới công nhân, giới buôn bán, giới làm dịch vụ ở Đô thành và tỉnh Gia Định được nâng cao. Nhà cửa của dân chúng được xây dựng nhiều, biến những dãy nhà tôn lụp xụp ở mặt tiền các đường phố thành những dãy nhà phố khang trang cao tầng.

Những khu vực trước kia là ruộng rẫy hoặc ao rau muống, lần lượt được san lấp, mọc trên đó những khu dân cư trù mật như khu vực Ông Tạ, khu vực bến xe Miền Tây, khu vực Ngã tư Bảy Hiền, khu vực Bà Quẹo, khu vực Tân Phú, khu vực Bình Thới, khu vực Cầu Tre, khu cư xá Bắc Hải, khu cư xá Chánh Hưng, khu vực Khánh Hội, khu vực Nhà Bè, khu vực Bà Chiểu, khu vực Gò Vấp, khu vực Xóm Gà, khu vực Xóm Mới, khu vực Bùi Môn, khu vực Quang Trung, khu vực Hóc Môn, khu vực Thủ Thiêm, khu vực Thủ Đức v.v... Các khu dân cư này lần lượt được đô thị hóa.

Ngoài việc xây dựng các đường rải rác ở các quận, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, nhà cầm quyền còn cho xây dựng đường phố tại những cụm dân cư, như: Tại Quận 8, trong khu cư xá Chánh Hưng, còn gọi khu cư xá Phạm Thế Hiển vì nằm sát đường này, có các đường Đào Cam Mộc, Đông Hồ, Hồ Biểu Chánh, Khái Hưng. Tại Quận 10, trong cư xá Bắc Hải có các đường Ba Vì, Bạch Mã, Bắc Hải, Bửu Long, Châu Thới, qua bên kia địa giới tỉnh Đồng Nai đến thành phố Biên Hòa.

Dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp tục xây dựng những đường phố mới tại những khu vực mới được đô thị hóa để phục vụ ngành giao thông vận tải.

Nhờ có hệ thống đường sá dày đặc trong thành phố và từ thành phố nối liền với các tỉnh mà hoạt động của ngành giao thông vận tải của địa bàn phát triển rất mạnh. Năm 1956, ở miền Nam có tổng số chiều dài đường bộ là 13.794km, năm 1965 đã tăng lên 20.127km, trong đó có 5.582km đường rải nhựa. Nhưng đến năm 1973, tổng chiều dài đã lên đến 10.930km, trong đó có 6.751km rải nhựa. Tất cả các đường từ các tỉnh đều quy về Đô thành Sài Gòn. Phương tiện vận chuyển trên bộ ngày càng phong phú và tân tiến hơn.

Năm 1956, số xe vận tải hạng nặng trong cả miền có 15.513 chiếc, trong đó Nam Bộ chiếm đến 81%. Riêng Sài Gòn - Gia Định, số xe có động cơ các loại đăng bộ năm 1966 là 10.510 chiếc. Số xe sang tên cải bộ là 26.463 chiếc. Số bằng lái xe cấp trong năm đó là 26.752 bằng, lệ phí thu được là 20.673.640$. Trọng lượng hàng hóa do xe hơi chuyên chở là 53.527 tấn.

Ở giai đoạn này, thời gian đầu có nhiều bến xe tự phát khắp nơi, sau đó chính quyền cử nhân sự giữ trật tự an ninh, cử ban quản lý điều hành. Các bến xe ở vùng Sài Gòn quản lý các tuyến xe chạy ra các tỉnh miền Đông, miền Trung, Cao nguyên. Di chuyển trong nội thành có các tuyến xe buýt, xe taxi, xe xích lô máy, xe xích lô đạp

Về kiến trúc đô thị

Đô thành Sài Gòn, từ một thành phố nghèo nàn với một số dinh thự người Pháp xây dựng trước năm 1945, tập trung trên địa bàn Quận 1, Quận 3, với một số ít ngôi biệt thự, ngôi nhà một, hai tầng lầu, một số phố xá tấp nập ở đường Đồng Khởi, đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, đường Hàm Nghi, đường Pasteur, đường Lý Tự Trọng, đường Lê Thánh Tôn, đường Lê Lai, đường Trần Hưng Đạo vùng Sài Gòn và đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Đồng Khánh (nay là đường Trần Hưng Đạo), đường Phùng Hưng, khu chợ Bình Tây vùng Chợ Lớn, còn lại toàn là nhà trệt, nhà cấp 4, tường gạch, lợp ngói âm dương cũ kỹ rêu phong, hoặc vách phên, vách ván lợp tranh, lợp tôn, đã trở thành một thành phố hiện đại, đường sá tráng nhựa, rộng thênh thang, chằng chịt như mạng nhện. Nhà cửa, lâu đài nhiều tầng, các khu cư xá, các chung cư hàng trăm căn hộ khang trang, đầy đủ tiện nghi mọc lên khắp nơi, không những ở nội thành, mà cả ngoại thành. Các dãy phố, các tiệm buôn bán khang trang với đủ loại hàng hóa từ các khu vực trên thế giới đưa về.

Về tiểu thủ công nghiệp

Ngành tiểu thủ công nghiệp miền Nam nói chung, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng, từ sau năm 1954 đến năm 1975 phát triển rất mạnh, đa dạng, đa chủng loại.

Có thể nói trong mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân, về tinh thần cũng như vật chất, ngành tiểu thủ công nghiệp đều đáp ứng được phần lớn.

Sự hoạt động của tiểu thủ công nghiệp thường do cá nhân, các thành viên trong gia đình đảm trách. Các tiểu chủ có thuê vài ba chục lao động, hoặc các hợp tác xã mà xã viên sản xuất theo sự phân phối của ban quản trị và đem về nhà làm. Một số ngành tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu có tại thành phố như: thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, dệt thủ công, làm giấy, đồ gỗ, may mặc….

Một số ngành tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu có tại thành phố như: thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, dệt thủ công, làm giấy, đồ gỗ, may mặc….

Về công nghiệp

Dưới thời Pháp thuộc, trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã có sẵn một số nhà máy hoạt động. Các nhà máy này của chính quyền thực dân Pháp, của các nhà tư bản Pháp, của các nhà tư sản Hoa kiều và của người Việt. Do hiệp ước Pau ký năm 1949 tại Paris và hiệp ước Việt - Pháp ký tại Sài Gòn năm 1958, các xí nghiệp của người Pháp vẫn được tiếp tục hoạt động, vẫn được dùng công nhân Pháp và người Việt như cũ

Trong giai đoạn này, nhiều nhà máy tư nhân chẳng những của người trong nước mà cả những người nước ngoài lần lượt ra đời. Thời gian sau nhiều công ty liên doanh lớn được thành lập.

Đối với thành phố, trong giai đoạn này có hai ngành công nghệ quan trọng phục vụ quảng đại dân chúng là ngành điện và ngành nước. Trước năm 1945 và kể cả trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945- 1954), hai ngành này đều nằm trong tay độc quyền của người Pháp. Sau năm 1954, theo thỏa hiệp/ Việt - Pháp ký giữa Chính phủ Pháp và Bảo Đại, hai ngành công nghệ này đã thuộc về chính quyền Quốc gia Việt Nam. Với những thiết bị cũ kỹ thời Pháp thuộc, các nhà máy điện cũng như nước chỉ đủ khả năng cung cấp cho một dân số từ 500.000 đến 1.000.000 người, thành phố đã mở rộng ra khắp cả các vùng ngoại ô, ước con số 3.000.000 người, sự cung cấp ấy trở nên bất cập.

Các ngành công nghiệp tiêu biểu của Sài Gòn giai đoạn này là: công nghệ xay xát chế biến lương thực; đồ uống; sản xuất đường; thuốc lá, đồ hộp; bột ngọt; thuộc da; dệt; luyện kim, dược phẩm….

Về Thương mại – xuất nhập khẩu

Trên địa bàn thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và tỉnh Gia Định, trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1963 có một nền thương mại khá phát triển. Xe vận tải từ các tỉnh chạy về Sài Gòn được thông suốt nên thương mại phát triển nhanh chóng. Hàng hóa tràn ngập các cửa hiệu, các đường phố, các trung tâm thương mại, các chợ, từ nội thành ra vùng nông thôn thôn.

Về cách thức buôn bán, hệ thống kinh doanh thương mại tại Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung, được tổ chức chuyên môn hóa thành từng nguồn hàng. Giữa nhà nhập cảng hay nhà sản xuất và người tiêu dùng có một mạng lưới thương mại dày đặc gồm những nhà đại lý, những nhà buôn sỉ thường có vốn lớn, có kho hàng tàng trữ, phương tiện chuyên chở, có người giao dịch với những nhà buôn lẻ. Số người buôn bán lớn chiếm khoảng 10% những người làm nghề buôn bán.

Những người bán lẻ chiếm số lượng đông đảo nhất, gồm những người có cửa hàng cố định và những người bán lưu động, một số trong giới này không có môn bài, trốn thuế. Giữa thương gia sỉ, thương gia lẻ và lớp người trung gian thương mại đã xác lập mối tương quan chặt chẽ, hợp đồng đa dạng, tin tưởng lẫn nhau, nhất là trong giới người Hoa.

Ngoài những trung tâm thương mại, còn có các chợ có từ trước hay mới thành lập sau năm 1954. Đối với các chợ cũ, chính quyền cho chỉnh trang lại, xây và mở rộng nhà lồng chợ bằng gạch, lợp mái tôn cao ráo, nền tráng xi măng sạch sẽ, như chợ Bà Chiểu, chợ Phú Xuân, chợ Cần Giờ, chợ Xóm Chiếu, chợ Bình Chánh, Chợ Đệm, chợ Bà Hom, chợ Củ Chi, chợ Phú Lâm, chợ Hóc Môn, chợ Gò Vấp, chợ Thủ Đức, chợ Thủ Thiêm v.v...

Trong ngành thương mại ở Sài Gòn trước năm 1975 còn có hình thức trung gian bỏ mối. Một số thương gia có vốn, có phương tiện chuyên chở, cất một số lượng hàng hóa đủ thứ đầy xe, rồi tự chở đi khắp các tỉnh miền Tây, dọc theo các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, dừng lại tại các thị trấn, các thị xã, các thành phố bỏ mối cho các cửa hàng bán lẻ, qua hình thức bán tiền mặt, bán chịu hay gối đâu. Những người bán lẻ không cần phải đi xa mua hàng, nhờ có lớp trung gian bỏ mối này, cửa hàng lúc nào cũng có đủ hàng bán.

Do sự hoạt động mạnh mẽ của ngành thương nghiệp mà trước năm 1975, tại Sài Gòn - Chợ Lớn đã hình thành một số trung tâm thương mại tập trung một số hàng chuyên ngành, rất tiện cho người mua.

Trước năm 1975, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, có quan hệ buôn bán với trên 40 nước trên thế giới. Các nhà xuất nhập khẩu thường được phép đi nước ngoài để tìm hiểu thị trường, giá cả hàng hóa, giới thiệu sản phẩm trong nước và đặt mối liên hệ làm ăn buôn bán với thương gia nước ngoài. Họ thường nhận được những thông tin kinh tế từ nước ngoài một cách chính xác và nhanh chóng, nhất là từ Hồng Kông, Singapore. Đến năm 1975, tại Sài Gòn - Chợ Lớn đã có đến 300 văn phòng đại diện của các hãng xuất nhập khẩu nước ngoài.

Về Văn hóa – Xã hội

Trên địa bàn thành phố, trong giai đoạn 1954-1915, sự hoạt động của ngành văn hóa rất phong phú trên địa bàn thành phố cả miền tương đối yên tĩnh. Mọi loại hình hoạt động văn hóa đều được tự do. Việc ra báo, xuất bản sách, viết báo, viết sách được dễ dàng. ​

Từ sau năm 1954, báo chí ở Sài Gòn hoạt động rất mạnh. Nhà in tư nhân nhiều, giấy in báo nhập vào dồi dào nên việc xuất bản báo chí không mấy khó khăn. Người dân Sài Gòn - Gia Định lại rất ham đọc báo. Từ nhà trí thức, giáo sư, công chức, tư chức đến các tầng lớp lao động, mỗi buổi sáng lúc nào cũng có tờ báo trong tay.

Trong suốt giai đoạn sau năm 1954, các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật ở Sài Gòn chia thành ba phe rõ rệt như trong giới ký giả viết báo. Gồm phe chống Cộng, Phe đứng giữa cầu an và nhóm văn nghệ sĩ cách mạng. Trong thời gian này, trên văn đàn xuất hiện những tác phẩm đủ mọi thể loại, đủ mọi khuynh hướng.

Sau năm 1954, nền giáo dục ở miền Nam nói chung, Sài Gòn - Gia Định nói riêng thoát khỏi sự chi phối của nền giáo dục Pháp, nhưng lại đặt vào quỹ đạo của giáo dục Mỹ. Người Mỹ áp dụng chính sách thực dân mới, không trực tiếp nắm các cơ quan xuống đến các trường với chức Giám đốc, Hiệu trưởng, Thanh tra như người Pháp, họ chỉ dùng hình thức viện trợ và cố vấn, đứng ngoài để chỉ huy từ cấp bộ trong việc soạn thảo chương trình, quy định hệ thống giáo dục, bằng cấp thi cử.

Ở bậc tiểu học, trong giai đoạn này nền giáo dục tại thành phố phát triển mạnh. Thời gian đầu, các trường đều được tổ chức theo như thời Pháp thuộc. Vì dân Sài Gòn - Gia Định khu vực nào cũng đông, nên trường thuộc loại Tiểu học bị thể (Ecole primaire complémentaire de plein exercice), có đầy đủ 5 lớp, từ lớp năm đến lớp nhất, dạy theo chương trình cũ. Học sinh học hết chương trình lớp nhất sẽ dự thi tốt nghiệp lấy bằng Tiểu học. Trong năm học 1957-1958, tại Sài Gòn - Gia Định có 115 trường Tiểu học công lập với 1.242 lớp, 78.228 học sinh. Số trường Tiểu học vẫn tăng lên từng năm. Niên khóa 1961-1962 có 117 trường công lập, đến niên khóa 1968-1969 là 272 trường, niên khóa 1973-1974 là 312 trường với 6.010 giáo viên, 338.010 học sinh.

Ở bậc trung học, suốt thời gian 20 năm 1954-1975, nền giáo dục bậc Trung học tại miền Nam có nhiều đợt cải cách để làm sao đi sát với chương trình giáo dục Mỹ, từ chương trình giảng dạy đến cách thức sắp xếp các bậc học, cách thi cử.

Ở bậc cao đẳng, đại học, các viện Đại học cả công lẫn tư được quyền hoạt động độc lập và tự chủ, gọi là tự trị đại học, đặc biệt về học vụ không có sự can thiệp từ ngoài, không có bộ nào chủ quản, kể cả Bộ Quốc gia Giáo dục. Hội đồng khoa, đứng đầu là Khoa trưởng của mỗi trường Đại học gồm những giáo sư, học giả uyên bác, được đào tạo bài bản ở các nước Âu - Mỹ, có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược và chương trình đào tạo của trường mình.

Nguồn: Hội đồng Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 4 tập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018; Nguyễn Đình Tư, Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh Dặm dài lịch sử, 2 tập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Chi tiết bản đồ hành chính TPHCM và các quận, huyện, Thành phố trực thuộc

Tính đến năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 22 đơn vị hành chính. Trong đó gồm 1 thành phố (TP. Thủ Đức), 16 quận và 5 huyện, riêng Quận 2 và Quận 9 trước đó đã được sáp nhập vào TP. Thủ Đức.

Quận Tân Phú Quận Bình Tân Quận 4 Huyện Củ Chi Huyện Hóc Môn Quận 12 Quận Gò Vấp Quận Tân Bình Quận Phú Nhuận Quận Bình Thạnh Quận 11 Quận 10 Quận 3 Quận 1 Quận 5 Quận 8 Quận 6 Quận 7 Huyện Bình Chánh Thành Phố Thủ Đức Huyện Nhà Bè Huyện Cần Giờ

District Image

Về vị trí địa lý

Trên bản đồ Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý tại miền Nam nước ta, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tọa độ địa lý chính xác trên bản đồ HCM là 10°10′ – 10°38′ Bắc và 106°22′ – 106°54′ Đông. Các điểm cực của TP.HCM cụ thể như sau:

- Điểm cực Bắc TP.HCM nằm tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.

- Điểm cực Nam TP.HCM nằm tại: xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.

- Điểm cực Tây TP.HCM nằm tại: xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

- Điểm cực Đông TP.HCM nằm tại: xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Về mật độ dân số

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 1/6/2023, TP.HCM có tổng dân số gần 8,9 triệu người (con số cụ thể là 8.899.866 người). Mật độ dân số của thành phố này cũng dẫn đầu cả nước, vào khoảng 4.248 người/km2. Nếu tính cả những trường hợp cư trú mà không đăng ký hộ khẩu, dân số thực tế của toàn thành phố có thể lên đến 14 triệu người.

Trong đó, dân số tại những khu vực thành thị chiếm khoảng 79% dân số toàn thành phố (khoảng hơn 7 triệu người). 21% còn lại là tỷ lệ dân số sống tại khu vực nông thôn (khoảng hơn 1,9 triệu người). Có thể thấy, sự phân bố dân cư tại TP.HCM có sự chênh lệch rõ ràng. Cụ thể, dân cư chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm thành phố, trong khi đó những khu vùng ven như huyện Cần Giờ thường có ít dân cư sinh sống.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

văn hóa

Thành phố Hồ Chí Minh -
một trung tâm nghệ thuật
phù hợp với yêu cầu
đổi mới của đất nước

Lịch sử nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là bước nối tiếp và phát triển của nền nghệ thuật dân tộc có quá khứ nhiều nghìn năm. Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn Gia Định trước kia là trung tâm hội tụ thành quả lao động sáng tạo của vùng đất mới khai phá. Hầu hết tác giả và nghệ sĩ, nghệ nhân tuy mang tên Sài Gòn nhưng xuất xứ từ nhiều địa phương, số người dân Sài Gòn chiếm tỷ lệ nhỏ.

Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến nền nghệ thuật của các thời kỳ trước khi người Việt có mặt tại Nam Bộ Việt Nam, lưu giữ di sản của nền văn hóa Phù Nam và Chân Lạp. Như vậy, địa bàn Sài Gòn - Gia Định (và Nam Bộ nói chung) với đặc thù lịch sử hình thành, chịu tác động của nhiều nguồn nghệ thuật: ngoài chủ thể là nghệ thuật truyền thống dân tộc của người Việt, còn có nền nghệ thuật bản địa cộng với lớp di dân từ Trung Quốc sang.

Sài Gòn - Gia Định là nơi đầu tiên của nước ta tiếp xúc quy mô với văn hóa phương Tây, nên từ giữa thế kỷ XIX trở đi, nghệ thuật phương Tây đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển nghệ thuật tại đây.

Nền nghệ thuật Sài Gòn - Gia Định hiện đại đi trước so với cả nước - ít nhất cũng ở các bộ môn kịch nói, cải lương, kiến trúc, hội họa - trên đường tiếp cận với thế giới công nghiệp. Ngay phần dân gian, có tính chất phóng khoáng trong nội dung lẫn hình thức như hò hát. Cải lương chẳng hạn, nó là sự tìm tòi thích nghi của nghệ thuật sân khấu trong bối cảnh đổi thay của xã hội, vừa duy trì phong cách sân khấu truyền thống, vừa đưa kịch nói còn mới mẻ đến với công chúng, vừa sử dụng các làn điệu ca hát dân gian hoặc dân tộc để diễn đạt tư tưởng tình cảm. Từ "ca ra bộ" đến cải lương, tức từ kịch nói xen bài ca và có vũ đạo trong biểu diễn, hoặc từ hát bội với quy ước chặt chẽ chuyển sang hình thức "hát bội pha cải lương", sân khấu cố gắng thâm nhập vào quần chúng trong tư trào canh tân để tồn tại, để tiếp tục sứ mệnh lịch sử của nghệ thuật.

Do điều kiện khách quan, Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ nói chung ít chịu ảnh hưởng của nghệ thuật cung đình, phong kiến: chính tính sáng tạo dân gian trong môi trường khác hẳn môi trường quan giai đã đẻ ra một nền nghệ thuật đa dạng, sinh động, nhạy bén. Hơn nữa, nghệ thuật Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ nói chung xuất hiện trước hết vì điều kiện thiên nhiên và vì nhu cầu của công chúng.

Nghệ thuật ca hát tự thân càng phải bảo tồn tính cách của mình. Học hỏi thành quả nghệ thuật nước ngoài là cần thiết song biên độ cho phép khi nào mọi cải tiến đều nhằm tăng thêm độ sâu, độ thuyết phục, độ xúc cảm của nghệ thuật dân tộc với sắc thái Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ vốn là kết quả của lao động và phản ánh tâm hồn của miền đất tự khẳng định suốt mấy trăm năm qua.

Nghệ thuật luôn động, song điều mà người Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay tự hào là nó thuộc bộ phận của nghệ thuật cả nước, với những thành quả rõ nét, làm cho nghệ thuật cả nước thêm dáng vẻ, sinh lực, lối ra - không bắt chước mù quáng bất kỳ ai. Nghệ thuật gắn với dân gian, với công chúng và với nội dung chiến đấu, tôn vinh cái đẹp sẽ đóng vai trò làm phong phú cho dân gian và nâng cao thẩm mỹ cho công chúng. Đó là nghĩa vụ của toàn bộ các ngành và hoạt động nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh từ nay trở đi để khỏi phụ công lao của lớp người đi trước.

Từ sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nghệ thuật Thành phố tiến thêm một bước. Nó thừa kế ngoài vốn cổ, cả một giai đoạn đấu tranh cách mạng ác liệt kéo dài những 30 năm, trong đó, nhiều hình thái cùng biểu hiện: vùng địch kiểm soát, cái gọi là nghệ thuật chính thống thực sự bị cô lập trước hình thái nghệ thuật chiến đấu ở các mức và dạng khác nhau của nghệ thuật quần chúng, kể cả chuyên nghiệp và không chuyên, trên các lĩnh vực sân khấu, ca hát, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh...

Cũng sau giải phóng, Thành phố thêm các bộ môn xiếc, múa rối, kịch câm, gần đây sân khấu ngoài trời, nhất là việc trình diễn ở các khu văn hóa đã cải tiến, mở rộng và nâng cao rõ rệt. Hoạt động sau cùng này lần lần đóng vai trò lớn, bổ sung cho các sân khấu trong nhà, các thính phòng, đã lôi cuốn hàng nghìn, hàng vạn người thuộc các lứa tuổi, chủ yếu là lớp trẻ, vào sinh hoạt nghệ thuật - vừa thưởng thức vừa tham gia làm nghệ thuật.

Nguồn: Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh, 4 Tập, Hội Đồng Khoa Học Xã Hội Thành Phố Hồ Chí Minh biên soạn, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.

tín ngưỡng

Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trước sau như một là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Chính sách này đã ghi rõ trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Áp dụng chính sách đó từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tôn trọng tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo, đồng thời cũng tôn trọng quyền của những công dân không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào. Trong việc đối xử, coi các tôn giáo đều bình đẳng như nhau, được pháp luật bảo vệ như nhau, không thiên vị. Nhưng pháp luật không chấp nhận và cũng không tha thứ kẻ nào núp bóng tôn giáo, lợi dụng tôn giáo để mưu đồ chính trị, nhằm khuynh loát chính quyền cách mạng.

Trong lời phát biểu tại Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11- 1993, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã khẳng định:

"Điều mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm là chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an ninh. Điều mà Đảng và Nhà nước ta tìm cách ngăn chặn không phải là tôn giáo hay phát triển tôn giáo, mà là việc lợi dụng tôn giáo cho những ý đồ chính trị. Vì vậy, quý vị cứ hoạt động tôn giáo một cách thật sự rõ ràng, thật sự trong sáng, không để cho bất cứ ai, bất cứ danh nghĩa nào, núp bóng để làm những việc mờ ám, thì tôi bảo đảm quý vị sẽ được hoàn toàn tự do".

Từ ngày giải phóng đến nay, chính quyền Thành phố đã thi hành chính sách đó đối với các tôn giáo, không phân biệt mà cũng không thay đổi. Sau ngày giải phóng, tất cả các tôn giáo đúng nghĩa đã có trước năm 1975 như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo, Hồi giáo, Cao Đài giáo vẫn được tiếp tục sinh hoạt. Các nơi thờ tự vẫn được tôn trọng. Có một số cơ sở do chính quyền địa phương trưng dụng lúc mới giải phóng cũng lần lượt được trả lại. Trong những ngày lễ lớn của các tôn giáo, chính quyền có cử đại diện đến tham dự, chúc lời tốt lành. Đối với các chức sắc cao tuổi thưởng cũng được cản bộ chính quyền hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm hỏi.

Thấy được chính sách thật sự tôn trọng tự do tín ngưỡng và tôn giáo của Đảng và Nhà nước, các tôn giáo đã đóng góp tích cực cùng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thành phố ngày một tốt đẹp hơn.

Nguồn: Nguyễn Đình Tư, Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh Dặm dài lịch sử, 2 tập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022.

Xuất bản thông tin