TRANG CHỦ / TIN TỨC

Tập trung triển khai có hiệu quả “Chiến lược phát triển giáo dục TP.Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

(HCM CityWeb) - Sáng 16/8, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025.

Đến tham dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng; Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy.

 

Đi đầu trong nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về Anh văn và Tin học vào nhà trường

 

Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, cụ thể hóa các mục tiêu nhằm thực hiện trọng tâm xây dựng Thành phố là trung tâm lớn về Kinh tế, Văn hóa, GD&ĐT, Khoa học-công nghệ.

 

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen cho tập thể đạt thành tích xuất sắc năm học 2023-2024

 

Ngành GD&ĐT Thành phố cũng đã triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế; thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá thuộc lĩnh vực giáo dục, đi đầu trong nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về Anh văn và Tin học vào nhà trường, triển khai thực hiện hoạt động dạy học tiếng Anh tự chọn từ lớp 1.

Thành phố đã triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế; thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá thuộc lĩnh vực giáo dục, đi đầu trong nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về Anh văn và Tin học vào nhà trường, triển khai thực hiện hoạt động dạy học tiếng Anh tự chọn từ lớp 1. Mô hình “Trường tiên tiến hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” góp phần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế, trở thành công dân đáp ứng nhu cầu của Thành phố thông minh đã đạt được hiệu quả tích cực. Triển khai hiệu quả việc dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều được nâng lên.

Công tác chuyển đổi số được triển khai đồng bộ trong toàn ngành. Có hơn 80% trường học đã triển khai kho học liệu số, ngành giáo dục đã tiến hành nghiên cứu về các chuẩn lưu trữ và liên thông chung cho học liệu số nhằm xây dựng kho học liệu số mở. Hệ thống thông tin địa lý giáo dục (GIS) đã được hoàn thiện, 100% các quận, huyện tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình thức trực tuyến…

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy trao bằng khen cho các tập thể xuất sắc năm học 2023 -2024

 

Ngành giáo dục và đào tạo Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục; bản thân các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo của mình để đáp ứng kịp nhu cầu học tập và nâng cao trình độ của học sinh, học viên TP.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo thực hiện chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TP.Hồ Chí Minh”.

Năm học mới, dự kiến toàn Thành phố tăng 24.097 học sinh (gồm: 17.288 công lập và 6.809 ngoài công lập). Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, toàn ngành tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường công tác chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Tiếp tục xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”; Thực hiện các Đề án, Chương trình về sức khỏe, phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học; Triển khai kế hoạch “Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tăng cường hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP; Chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; Mở rộng mô hình trường học chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” nhằm góp phần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế.

 

TP.Hồ Chí Minh đã từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học


 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá năm học 2023-2024, toàn ngành GD-ĐT TP đã phát huy được những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực đạt được nhiều kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm học đã triển khai, đồng thời, GD-ĐT TP đã cụ thể hóa dựa trên tình hình cụ thể của TP.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết trong kết luận của Bộ Chính trị ngày 12-8 về thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình hành động thực hiện kết luận này. Tuy nhiên, TP.Hồ Chí Minh cần chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng kết luận để triển khai. Trong đó, có những vấn đề Thành phố đã thực hiện như trường học số, nâng cao năng lực ngoại ngữ, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

 “TP.Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế không chỉ của đất nước mà còn của khu vực, trình độ tiếng Anh của học sinh phải ngang tầm khu vực và thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, TP phải yêu cầu cao hơn, đòi hỏi hơn nữa. Làm sao TP sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc. Bộ GD-ĐT sẽ cùng với TP triển khai bởi TP đã có những quy định, căn cứ để thực hiện như việc triển khai đề án tiếng Anh trong suốt thời gian qua” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phải làm sao quan tâm, chăm sóc thầy cô giáo vừa khuyến khích, vừa truyền lửa, tạo điều kiện, cơ chế để các thầy cô gắn bó với ngành.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, trong năm học này, có nhiều điểm mới trong đó diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi các cấp theo chương trình mới. Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành quy chế để các trường thực hiện, triển khai. Muộn nhất tháng 11 sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp, sẽ có quy chế hướng dẫn thi tuyển sinh vào lớp 10 để các học sinh có sự chuẩn bị, cán bộ giáo viên cũng không bỡ ngỡ trong phương thức thi tuyển.

 

Sáu nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện

 

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề nghị, trong năm học 2024-2025, ngành giáo dục Thành phố cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 – 2030” năm 2024. Hoàn thành hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp tỉnh, gửi đến Bộ GD&ĐT đánh giá, công nhận TP.Hồ Chí Minh đạt “Cộng đồng học tập” cấp tỉnh.

Ngành giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” để mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh thực sự cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi được đến lớp, đến trường.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả “Chiến lược phát triển giáo dục TP.Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xây dựng TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực Châu Á.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện theo lộ trình, đảm bảo hoàn thành các chương trình, đề án đột phá của Thành phố về giáo dục; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh; Chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”...

Thứ tư, ngành giáo dục đào tạo tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Năm học 2024 - 2025 cũng là năm đầu tiên cả nước tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục cần chuẩn bị phương án hướng dẫn học sinh học tập và tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, chất lượng.

Tổ chức tốt các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học và các kỳ thi khác để tạo sân chơi cho học sinh rèn luyện.

Thứ năm, thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nghiên cứu xây dựng các đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổ chức tuyển dụng bảo đảm số lượng và chất lượng, ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý.

Thứ sáu, tập trung thực hiện các công trình thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gồm: Chương trình giáo dục thông minh; Đề án xây dựng TP.Hồ Chí Minh- Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực; Công trình xây dựng 4.500 phòng học.

Minh Dung

Từ khoá

Tin liên quan

Asset Publisher