Xuất bản thông tin

Địa hình

TRANG CHỦ / TIN TỨC

Địa hình

Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên phần cuối phía Nam của dãy Trường Sơn chạy ra biển, nên về địa thế có độ nghiêng từ phía Bắc và Đông Bắc xuống phía Nam và Đông Nam. Do đó mà có thể phân biệt hai vùng rõ rệt: Vùng cao và vùng thấp.
- Vùng cao: Mang sắc thái của miền Đông Nam Bộ, gồm địa bàn các xã nằm về phía Bắc và Tây Bắc của huyện Củ Chi trong đó phía Tây Bắc xã An Nhơn có độ cao 22m; các xã khác có độ cao từ 10m đến 15m như: Phú Mỹ Hưng, An Phú, Phạm Vân Cội, Trung Lập Thượng, Tân Thạnh Đông; thành phố Thủ Đức trong đó các phường Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phủ, Linh Đông (trước thuộc quận Thủ Đức) và các phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Phước Long A, Phước Long B (trước thuộc Quận 9) có độ cao từ 10m đến 20m.
- Vùng thấp: Mang sắc thái Đồng bằng sông Cửu Long, chuyển từ vùng cao xuống, gồm các phường thuộc quận Bình Tân, các xã thuộc huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Độ cao tại các phường Tân Tạo, thị trấn Tân Túc, xã Lê Minh Xuân, Bình Lợi, Tân Nhựt, Bình Chánh độ cao chỉ còn 3m, các xã An Phú Tây, Tân Quy Tây, Hưng Long, Quy Đức, Đa Phước độ cao chỉ còn 2,5m. Qua huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ thì độ cao chỉ còn từ 1m đến 1,5m, thậm chí có nơi chỉ còn 0,5m so với mặt nước biển. 
Thành phố Hồ Chí Minh ở vùng đồng bằng, nên không có ngọn núi nào cao, chỉ có những gò đống không đáng kể, trong số đó có hai gò được nhắc tới nhiều là gò Tân Khai ở khu vực phường Bến Thành, Quận 1 ngày nay, nơi xưa kia chúa Nguyễn Ánh chọn làm địa điểm xây thành Bát Quái, hay còn gọi là thành Quy và gò Cây Mai thuộc khu vực Phường 16, Quận 11, nơi xưa kia có chùa Cây Mai nổi tiếng.
Nguồn: Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh Dặm dài lịch sử, 2 tập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022.
 

Từ khoá

Xuất bản thông tin