Xuất bản thông tin

Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong chấp hành quy định về tiếp công dân

TRANG CHỦ / TIN TỨC

Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong chấp hành quy định về tiếp công dân

(Hochiminhcity.gov.vn) – Chiều 16/1, UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương; ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải.

Ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP.Hồ Chí Minh, báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn TP.Hồ Chí MInh

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP.Hồ Chí Minh, cho biết qua hơn 10 năm thi hành Luật Tiếp công dân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Lãnh đạo UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ngày càng thể hiện rõ sự quan tâm, sâu sát đối với công tác tiếp công dân. Thông qua công tác tiếp công dân, chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn thư ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo không ngừng được củng cố, tăng cường. Nhận thức pháp luật của Nhân dân về công tác tiếp công dân, về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người công chức tiếp dân ngày càng được nâng cao.

Trong 10 năm qua, toàn Thành phố đã tổ chức tiếp 462.883 người/398.594 lượt đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, tiếp thường xuyên 390.239 người/ 330.057 lượt; tiếp định kỳ và đột xuất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị 72.644 người/68.537 lượt. Tổng số đơn phải xử lý là 398.469 đơn, đã xử lý 398.105/398.469 đơn.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác tiếp công dân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân như: Thực tế khối lượng công việc của Chủ tịch UBND Thành phố là rất lớn, thường xuyên có công tác đột xuất và tham dự các kỳ họp; Chủ tịch UBND cấp huyện ngoài việc thực hiện công tác tiếp công dân theo số ngày quy định thì còn thực hiện tiếp công dân đột xuất, trực tiếp thực hiện công tác chủ trì đối thoại giải quyết khiếu nại theo quy định của Nghị định 124/2020/NĐ-CP (không được ủy quyền) nên gặp rất nhiều khó khăn trong bố trí, sắp xếp công việc.

Người tiếp công dân gặp nhiều lúng túng khi xử lý trong các trường hợp người khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đến nơi tiếp công dân tự ý ghi âm, ghi hình mà không được sự cho phép. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền riêng tư, cá nhân của chính người tiếp công dân và gián tiếp ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị tiếp dân.

Do không có quy định nên các cơ quan, đơn vị và người tiếp công dân không có giải pháp để xử lý các tình huống người dân có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức tiếp công dân; gây mất trật tự tại nơi tiếp công dân; sử dụng từ ngữ xuyên tạc, xúc phạm người bị khiếu nại, tố cáo, người giải quyết khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp công dân; cố tình đeo bám khiếu kiện kéo dài, chuyển từ khiếu kiện sang tố cáo hoặc không chấp hành kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết thỏa đáng…

Tại Hội nghị, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Thanh tra Chính phủ tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại sửa đổi và tổ chức sơ kết việc thực hiện Luật Tố cáo năm 2018 để kịp thời điều chỉnh, bổ sung đồng bộ những vấn đề bất cập đã phát sinh trên thực tế; sớm tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân và quy định về tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị…

TP.Hồ Chí Minh cũng kiến nghị một số nội dung về công tác tổ chức thi hành pháp luật về tiếp công dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của từng các đơn vị, địa phương, nhất là Ban Tiếp công dân TP.Hồ Chí Minh, Ban Tiếp công dân các quận/huyện/thành phố Thủ Đức, các Tổ, bộ phận Tiếp công dân của sở, ngành và từng chuyên viên, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn, áp lực này.

Để công tác tiếp công dân tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Ngọc Hải đề nghị Thanh tra TP.Hồ Chí Minh nói riêng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương nói chung tiếp tục phát huy vai trò chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về tiếp công dân để Thanh tra Chính phủ có đầy đủ dữ liệu trong việc hoàn thiện Luật Tiếp công dân và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Toàn thể hệ thống cơ quan chính quyền tiếp tục quán triệt nhận thức “tiếp công dân là cầu nối hiệu quả nhất giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân”; thông qua tiếp công dân, đưa pháp luật, chủ trương, chính sách vào cuộc sống và lắng nghe những phản hồi từ Nhân dân để kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, chủ trương, chính sách cho phù hợp thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đồng thời, xác định công tác tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng cơ quan, đơn vị; là một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và bình xét thi đua.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho các tập thể

Để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI “Là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD”, trong năm 2025, cả Thành phố phải chung tay nỗ lực, khẩn trương, thúc đẩy những chương trình trọng tâm, nhất là việc triển khai, hoàn thành các dự án trọng điểm, giải quyết dứt điểm 05 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng của Thành phố gắn liền với các dự án lớn.

Để đạt được điều này, công tác tiếp công dân cần chú trọng việc lắng nghe chân thành những tâm tư, nguyện vọng của những người dân có quyền và lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi việc thu hồi đất, việc bồi thường, giải tỏa; đồng thời là vận động, tuyên truyền giúp cho người dân hiểu thật rõ, thật đúng những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật liên quan, tạo sự đồng thuận cùng chính quyền Thành phố trong đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần quan tâm chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch tiếp công dân sát với thực tiễn địa bàn, lĩnh vực phụ trách; chú trọng dự báo những vấn đề tiềm ẩn phát sinh tình hình phức tạp về phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để chủ động trong công tác tiếp công dân, kịp thời xử lý, giải quyết hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp các vấn đề tác động đến quyền và lợi ích của từng cá nhân, tổ chức với mục tiêu “Vì Nhân dân phục vụ”. Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong chấp hành quy định về tiếp công dân định kỳ và đột xuất; cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là “đạo đức công vụ thiết yếu”.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn triển khai quyết liệt việc tinh gọn bộ máy, việc tinh giản biên chế nhưng từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải quán triệt bố trí không chỉ đủ về số lượng mà còn phải đảm bảo về chất lượng cho từng chuyên viên, công chức phụ trách công tác tiếp công dân; thường xuyên quan tâm việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; quan tâm cả về vật chất và tinh thần, nhất là việc kịp thời khen thưởng, động viên, việc cân nhắc trong quy hoạch, bổ nhiệm để tạo động lực cho đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác tiếp công dân thật sự gắn bó, trách nhiệm với công vụ được giao.

Tiếp tục đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho công tác tiếp công dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng người dân, từng cá nhân, từng tổ chức khi đến nơi tiếp công dân đề trình bày tâm tư, nguyện vọng, để đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, phát triển từng cơ quan, đơn vị, địa bàn nói riêng, TP.Hồ Chí Minh nói chung.

Chánh Thanh tra TP.Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho các cá nhân

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Ngọc Hải cũng giao Thanh tra Thành phố tiếp nhận đầy đủ các ý kiến góp ý tại Hội nghị, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Tiếp công dân trên địa bàn Thành phố, trong đó chú trọng đánh giá toàn diện và khách quan những kết quả đạt được; chỉ ra cụ thể từng tồn tại, hạn chế, những vướng mắc, bất cập trong thi hành pháp luật tiếp công dân với những đề xuất cụ thể về từng nhóm quy định cần được sửa đổi, bổ sung; để từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất phù hợp tình hình thực tiễn của Thành phố nói riêng và góp phần cùng Thanh tra Chính phủ đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Tiếp công dân; tạo nền tảng, khung pháp lý quan trọng và góp phần phát huy hiệu quả cao nhất trong thực hiện quyền dân chủ khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, gắn kết chặt chẽ với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân.

Dịp này, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn Thành phố.

Minh Thư

Từ khoá

Xuất bản thông tin