Asset Publisher

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm

TRANG CHỦ / TIN TỨC

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm

(Hochiminhcity.gov.vn) - Ngày 10/1, Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, năm 2024 đã kiểm tra 15.769 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống; xử lý vi phạm 64 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 812 triệu đồng.

Sở An toàn thực phẩm tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố, tiến hành kiểm tra 306 lượt xe. Kết quả, có 9 lượt xe vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp với số tiền hơn 40 triệu đồng.

Ngoài ra còn xử lý tang vật gồm 190 con heo thịt, 500 kg phụ phẩm heo, 120,6 kg thịt đông lạnh (thịt heo và thịt gà), 850 con vịt sống và 1.959 con gà sống.

Trong năm 2024, đơn vị đã lấy 5.340 mẫu thực phẩm các loại để kiểm định chỉ tiêu an toàn thực phẩm (hóa lý, vi sinh). Kết quả, 85% mẫu đạt tiêu chuẩn và khoảng 15% mẫu không đạt tiêu chuẩn. Đáng lo ngại là đơn vị này phát hiện khoảng 10% mẫu nước uống đóng chai, 10% mẫu nước đá không đạt chỉ tiêu vi sinh và khoảng 20% mẫu thủy, hải sản nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, các mặt hàng đóng sẵn bằng bao gói cũng phát hiện một số mẫu không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Căn cứ vào kết quả này, thời gian tới, Sở An toàn thực phẩm sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất sản phẩm nước đá, nước uống đóng chai, cơ sở chế biến, kinh doanh thủy, hải sản và sản phẩm đóng gói khác nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, trong đợt kiểm tra cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở sẽ tích cực giám sát, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều như thịt, trứng, sữa, bánh mứt, bia rượu, các loại giỏ quà tết dễ bị trà trộn hàng hết hạn, hàng giả...

Trong năm 2024 số lượng cơ sở kiểm tra tăng 10% so năm 2023. “Nhìn vào kết quả kiểm tra, số cơ sở vi phạm bị xử phạt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dưới 1%. Điều này nhìn theo cách lạc quan thì tình hình an toàn thực phẩm có tốt hơn. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì số lượng này vẫn ít, chưa bao quát hết. Nhìn chung Sở An toàn thực phẩm Thành phố chưa có đủ lực lượng, khả năng nhiệm vụ để chặn bắt, phát hiện kịp thời những vi phạm để xử phạt”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, bên cạnh mặt thuận lợi, lĩnh vực cũng còn những hạn chế, khó khăn như thiếu quy định việc quản lý kinh doanh thực phẩm trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội; mức xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, trong khi số vụ chuyển sang hình sự rất ít và phức tạp…

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại khá nhiều việc kinh doanh không phép (hàng rong, buôn bán tự phát...), đặc biệt xung quanh trường học, bệnh viện, chợ dẫn đến mối nguy về mất an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy khẳng định việc đảm bảo an toàn thực phẩm là ưu tiên rất lớn của Chính phủ và lãnh đạo thành phố. Những kết quả đạt được hôm nay là sự tập trung rất lớn từ hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm của Thành phố. Vì vậy Sở An toàn thực phẩm cần tiếp tục đeo bám, thực hiện nhiệm vụ đề ra để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Thành phố, cố gắng hết sức để không xảy ra vấn đề liên quan đến ngộ độc thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy cũng nhấn mạnh" “Cần tăng cường kiểm tra, giám sát vi phạm; phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào cho TP.Hồ Chí Minh, đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm sản xuất trong thành phố”.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống; giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm.

Minh Dung

Từ khoá

Asset Publisher